Bông Hoa Trên Phím


Tiểu sử tác giả

Hoàng Quân

Tên thật: Hoàng Thị Ngọc Thúy. Hoàng Quân là tên của con trai.

Gia đình người Huế.
Đã sống ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Sài Gòn.

1978-1981: sinh viên khoa Anh Văn, Đại Học Sư Phạm, Sài Gòn.

Từ năm 1982 định cư ở Đức Quốc.
Sống ở Duisburg, Heilbronn, Wolfhagen, Arolsen, Munich, Berlin, Bad-Nauheim.

Năm 1995 tốt nghiệp đại học Wolfgang Goethe Universität, Frankfurt am Main, ngành Quản Trị Kinh Doanh.
Làm việc trong lãnh vực tài chánh cho đến nay, đã đi công tác tại hơn 30 quốc gia của ba lục địa: Á, Âu và Phi Châu.

Đã cộng tác với các báo: Măng Non, Văn Nghệ Trẻ (Đức Quốc); Viết & Đọc (Na- Uy); Tin Văn (Pháp); Làng Văn (Gia-Nã-Đại); Thế Kỷ 21, Phụ Nữ Diễn Đàn, Diễn Đàn Thế Kỷ, Saigonocean... (Hoa-Kỳ)
Đã xuất bản: Bông Hoa Trên Phím (truyện ngắn, 2015); Nhớ Tiếng À Ơi (truyện ngắn, 2016, tái bản 2018), Đứng Ngẩn Trông Vời (2018).

Thành viên Exil-P.E.N. (Đức)

***

.

Long Lanh Màu Trời

Thủ bút bài thơ của thi sĩ Trụ Vũ

Trước đây nhiều năm, người bạn bên Pháp qua Đức thăm tôi, hỏi, tôi cần mỹ phẩm của Paris không. Tôi đùa với bạn, tôi không cần gì cả, với lý do:

Bởi vì mắt ngắm trời xanh
Cho nên mắt cũng long lanh màu trời*.

Trong trí nhớ của tôi dường như có một góc lưu trữ những câu thơ tôi yêu, tôi thương. Nhiều khi, tôi không biết tác giả những câu thơ. Tình cờ, nghe đây một câu, thấy kia một câu, tôi vội ghi vào trí. (Ngày còn bé, tôi có trí nhớ rất tốt). Tôi nhớ, tôi ngâm nga những từ, những ngữ, những vần thơ thật đẹp, thật thơ. Dần dà, những câu thơ như thân, như quen, như hòa vào vốn liếng ca dao tục ngữ trong ký ức của tôi. Trí tôi còn “giữ” thêm một dị bản của bốn câu thơ trên:

Mắt em ngắm trời xanh
Nên long lanh màu trời
Mắt em nhìn biển khơi
Nên xa vời đại dương

Nhiều năm, tôi giữ mấy câu long lanh màu trời như của riêng mình. Ngày nọ, khi tình cờ đọc bốn câu thơ trong vườn Facebook của người bạn, tôi xúc động lặng người, quýnh quíu hối thúc người bạn, tìm giúp tôi tác giả bốn câu thơ. Sau khi giật dây tứ tung, người bạn bảo, tác giả là thi sĩ Phạm Thiên Thư. Tôi lèo nhèo năn nỉ người bạn, tiếp tục tìm hiểu, những câu thơ ấy được trích trong tập thơ nào. Người bạn gõ cửa loanh quanh, cuối cùng đành lắc đầu, không biết chi thêm về bốn câu thơ này.

Đọc đi, đọc lại bốn câu thơ, lòng nhớ bâng khuâng thuở mười bảy tuổi, tôi đem bút viết, bồi hồi kể chuyện xưa. Truyện Khi Mười Bảy Tuổi được vài bạn đọc thương mến. Có lẽ, vì bạn đọc thấy lại thuở bẻ gãy sừng trâu của mình. Và cũng rất có thể, vì bạn đọc yêu thích bốn câu thơ tôi ghi ngay dưới tựa truyện.

Và như vậy, đã nhiều năm, tôi thương bốn câu thơ, mà vẫn đinh ninh cùng tác giả của Ngày Xưa Hoàng Thị.

Cuối năm 2017, tôi thật vui, được một món quà đặc biệt: nhà văn T.Vấn, chủ bút của trang mạng văn học và tủ sách T.Vấn & Bạn Hữu, có nhã ý tái bản tập truyện Bông Hoa Trên Phím dưới dạng sách điện tử. Với tấm lòng đam mê chữ nghĩa và phong cách làm việc tận tụy, anh T. Vấn cẩn trọng chăm chút cả nội dung lẫn hình thức của tập truyện. Anh T.Vấn mời họa sĩ Trần Thanh Châu khoác cho tập truyện tấm áo mỹ miều với tranh Bông Hoa Trên Phím Dương CầmBông Hoa Trên Phím Guitar. Anh nhờ nhà văn Lê Hữu “để mắt” đến bản thảo của tập truyện. Bởi, qua những lần làm việc với nhà văn Lê Hữu từ trước, anh T.Vấn nhận xét, “Những ý kiến của anh Lê Hữu giúp cho tác phẩm nghiêm túc hơn, tạo sự tin cậy nơi người đọc, trước khi họ bỏ thì giờ ngồi xuống dở từng trang sách.” Những ý kiến, mà anh Lê Hữu rất khiêm tốn cho rằng “nhỏ nhặt”, là những lời góp ý rất to lớn cho tôi. Bên cạnh những đề nghị thay đổi chi tiết về kỹ thuật, trong truyện Khi Mười Bảy Tuổi, anh Lê Hữu đã sửa những chữ sai trong bốn câu thơ và ghi đúng tên tác giả.

Cũng vì mắt ngó trời xanh
Cho nên mắt cũng long lanh màu trời
Cũng vì mắt ngó biển khơi                                    
Cho nên mắt cũng xa vời đại dương

(“Ngón tay hoa”, thơ Trụ Vũ)

Với hiệu đính này, nhà văn Lê Hữu đã giúp tôi gặp thêm một mối duyên chữ nghĩa tuyệt vời.

Nay biết mình ghi tên sai tác giả, cũng như sai vài chữ trong bốn câu thơ, tôi rất áy náy. Tôi cảm thấy thật có lỗi với thi sĩ Trụ Vũ, khi truyện đã đăng lên báo, sách đã phát hành. Tôi cần phải có lời xin lỗi trực tiếp đến tác giả. Sau mấy tiếng đồng hồ tra cứu trong internet, tôi từ từ tìm ra manh mối, dẫn đến những thông tin về thi sĩ Trụ Vũ. Có nhiều bài vở viết về thi sĩ Trụ Vũ: Ông là một nhà thơ, nhà Phật học nổi tiếng, và còn là một nhà thư pháp tiên phong của Việt Nam. Đọc trong trang nhà của Phạm Hoài Nhân, tôi đoán, anh “quen lớn” với thi sĩ Trụ Vũ. Tôi viết thư làm quen với anh Nhân, nhờ anh giúp tôi “gặp” thi sĩ Trụ Vũ. Anh Nhân cho biết, anh chỉ là bạn của con gái bác Trụ Vũ. Các cô con gái là trợ thủ đắc lực của bác Trụ Vũ trong sinh hoạt trên liên mạng. Với địa chỉ anh Nhân giới thiệu, tôi liên lạc với An Hòa, con gái của bác Trụ Vũ. Sau vài trao đổi với An Hòa, tôi được biết thêm nhiều chi tiết lý thú. Bác Trụ Vũ cũng gốc Huế. Nhưng sống ở Sài Gòn từ thời trẻ. Chỉ khi gặp người cùng quê, bác mới nói giọng “Huệ” (cách dùng chữ dí dỏm của An Hòa). Gia đình bác Trụ Vũ cư ngụ ở gần đường Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận từ năm 1960 (là năm sinh của tôi). Đấy cũng là con đường “của” gia đình chúng tôi cho đến khi chúng tôi rời Việt Nam năm 1982.

An Hòa giúp tôi chuyển thư xin lỗi vì nhầm tác giả mấy câu thơ đến thân phụ của cô, thi sĩ Trụ Vũ. An Hòa kể: “Ông khen chị là người tử tế và rất có trách nhiệm”. Gởi lời xin lỗi đến tác giả, tôi chỉ cầu mong tác giả không buồn lòng vì chuyện nhầm lẫn của tôi. Tôi có nghe câu chuyện về một nhạc sĩ gặp trường hợp tương tự. Nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ, mà ông tưởng của cô bạn. Phổ nhạc xong, ông mới biết, tác giả bài thơ là một thi sĩ nổi tiếng. Ông tìm gặp tác giả để xin phép muộn. Thi sĩ chấp nhận, vì sự đã rồi. Nhưng thi sĩ ấy cũng đôi lời trách nhẹ nhạc sĩ. Vậy mà, thi sĩ Trụ Vũ, chẳng những không rầy la tôi, mà bác còn sáng tác bài thơ khoán thủ thật đẹp, tặng cho tôi, nhân mối duyên gặp gỡ nhau, mối duyên gặp “người đồng hương có tâm hồn yêu văn chương và trân trọng cái đẹp”. Nhận những lời thăm hỏi của bác Trụ Vũ qua người con gái, tôi tưởng tượng, bác cũng có giọng Huế giống Ba tôi. Nếu Ba tôi vẫn còn ở trên đời này với chúng tôi, tôi sẽ đưa Ba đọc bài thơ. Tôi xúc động rưng rưng, tưởng như nghe giọng Huế, đọc chầm chậm, trầm trầm:

Hoàng hoa thúy trúc nếp xưa nay
Thị của Như, Như của Thị này
Ngọc sáng đôi phương vầng nhật tỏ
Thúy sâu muôn dặm vẻ tâm bày
Khi không khi khổng xinh tà áo
Mười bốn mười lăm đẹp nét mày
Bảy nổi ba chìm thơm ý đạo
Tuổi cài trâm cợt gió heo may.

Trụ Vũ (12/11/2017)

Sau nhiều ngày “làm việc” chung với anh Lê Hữu, anh T. Vấn gởi bản PDF hoàn chỉnh, chuẩn bị đưa tập truyện vào tủ sách T. Vấn & Bạn Hữu. Đấy cũng là lúc tôi vừa liên lạc được với thi sĩ Trụ Vũ, qua An Hòa. Tôi chuyển bản PDF của tập truyện đến thi sĩ Trụ Vũ và An Hòa, như là độc giả đầu tiên đọc Bông Hoa Trên Phím trong bản điện tử.

Bông Hoa Trên Phím, ấn bản giấy (2015) và bản điện tử (2017)

Tôi gởi thêm vài truyện ngắn khác đến bác Trụ Vũ. Trong những thư đi, tin lại, nghe “người đưa thư” nhắn: “Lần nào nhận truyện chị, ba em cũng nói cô này viết dễ thương quá.” Được một người đã thành danh nhiều năm trước khi mình chào đời, đọc văn của mình và có đôi lời nhận xét, tôi vui ghê lắm, và cảm động nữa.

Đó đây trong các truyện của Hoàng Quân: Khi Mười Bảy Tuổi, Bài Ca Hạnh Ngộ, Quẻ Bói Đầu Xuân, Rhodes - Hy Lạp- Hải Đảo Hoa Hồng, những câu thơ của thi sĩ Trụ Vũ đã tô điểm, đã làm những câu chuyện thêm thi vị. 

Tôi có nhiều bạn thân: bạn thuở tiểu học, trung học, đại học; bạn hàng xóm ở quê nhà; bạn láng giềng ở xứ người… Ngoài ra, tôi có những người bạn, tôi chưa hề gặp mặt, chưa hề nói chuyện, chỉ trao đổi thư từ trên liên mạng. Vậy mà, tôi vẫn cảm nhận tình bạn thân thiết, gần gũi. Bởi, chúng tôi “thấy” nhau qua sự đồng cảm: cùng thiết tha với tiếng Việt. Chúng tôi “nghe” nhau qua sự đồng điệu: cùng yêu thương tiếng Mẹ đẻ của mình.

Chuỗi tình cờ kỳ diệu, đúng hơn, những cơ duyên có liên quan đến “trời xanh”, đã cho tôi “gặp” anh Lê Hữu, anh T.Vấn và bác Trụ Vũ, để mắt tôi vẫn được “long lanh màu trời”. Đấy chẳng phải là ân sủng quý giá của cuộc sống, là món quà tặng tuyệt vời cho tôi đó sao?

Xin gởi lời cám ơn trân trọng đến thi sĩ Trụ Vũ đã viết những vần thơ tuyệt đẹp.

Xin gởi lời cám ơn trân trọng đến nhà văn T.Vấn, nhà văn Lê Hữu, họa sĩ Trần Thanh Châu đã chăm sóc đứa con tinh thần của Hoàng Quân, để Bông Hoa Trên Phím được cùng các tác giả khác góp mặt, là đầu sách thứ 30 trong Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu.

Hoàng Quân
Tháng Giêng 2018

* Những câu thơ ghi theo trí nhớ, có ba chữ nhớ sai.

 

Đọc BÔNG HOA TRÊN PHÍM của HOÀNG QUÂN

Tôi còn nhớ, lúc sinh tiền, nhà văn Thạch Lam từng nói, "Nghệ sĩ là thiên phú, không học mà cũng không dạy được." Với những trải nghiệm của bản thân mình, tôi phải nói rằng Nhà Văn Thạch Lam đã vô cùng chính xác.

Một người yêu thích văn chương, suốt đời cặm cụi làm thơ, viết văn, nhưng phần thiên phú (tiên thiên) không có, chỉ chuyên cần, miệt mài viết tới, viết lui như tôi (hậu thiên) thì thành quả đạt được cũng chỉ giống như một ông nhà nghèo, cắt ca, cắt củm để dành, tiện tặn cho lắm, cũng chỉ lọt vô giới trung lưu là cùng. Câu thành ngữ tiếng Anh "Practice makes perfect" chỉ đúng với những ngành khoa học tự nhiên.

Nhà văn Tô Hoài, mà tác phẩm Dế Mèn Phiêu Lưu Ký của ông từng lay động tâm hồn của vô số tầng lớp thanh thiếu niên Việt Nam ngày trước, đã viết tác phẩm ấy khi mới 16 tuổi. Ông viết xong rồi cứ để đó, chứ có cho xuất bản gì đâu. Bởi ông nghĩ cái mình vừa viết ra chẳng đáng gì, ai thèm đọc, ai cho in một cuốn sách như vậy. Thế nhưng, như mọi người đã trải nghiệm, Dế Mèn Phiêu Lưu KýQuê Người, hai tác phẩm tưởng như giỡn chơi ấy đã làm nên sự nghiệp của Nhà Văn Tô Hoài.

Thật là thú vị cho một nhà xuất bản, hay cho giới độc giả, khi trong một thời điểm nào đó, chợt phát hiện ra một cây viết hoàn toàn mới, với phong cách và tài năng rất riêng, sớm được biểu hiện trong tác phẩm đầu tay của mình.

BÔNG HOA TRÊN PHÍM của Hoàng Quân là một tác phẩm như thế.

Có thể khẳng định rằng Bông Hoa Trên Phím của Hoàng Quân là một tập truyện ngắn mà chủ đề trọn gói của nó là viết về kỷ niệm. Kỷ niệm có thể là khoảng đời như mây, mấy mươi năm trước, một thời mới lớn của cô nữ sinh tỉnh nhỏ miền trung, với những nét trẻ trung, duyên dáng, thông minh, nghịch ngợm. Kỷ niệm cũng có thể là những ngày xất bất, xang bang, khi đất nước trải qua một cuộc đổi đời ngậm đắng nuốt cay. Kỷ niệm, dĩ nhiên cũng có thể là vài năm trước, vài tháng trước, đã xảy đến với nhà văn trong cuộc sống đời thường nơi xứ người Tây Âu.

Nhiều nhà văn đã viết về kỷ niệm, và thường thì người ta chọn thể loại hồi ký, hay như Nhà Văn Phan Lạc Phúc, ông đặt cho những hồi ức của mình với cái tên TẠP GHI.

Hoàng Quân không viết hồi ký. Những hồi ức của cô đã được viết trong dạng truyện ngắn. Nhưng yếu tố hư cấu, thường rất cần trong thể loại truyện ngắn, đã không thấy trong những truyện ngắn của Hoàng Quân.

Người đọc có thể cảm nhận được tất cả những chi tiết ngộ nghĩnh, dễ thương, nhiều khi cay đắng trong truyện, là những gì chân thật đã xảy ra. Người đọc có cảm giác như thấy chính mình, trong từng mẫu chuyện được Hoàng Quân khéo léo sắp xếp để chuyển đạt tình cảm của mình.

Hoàng Quân giống như một nghệ sĩ vẽ cảnh vật. Nhưng công việc của cô không chỉ là vẽ cảnh vật, mà còn mượn cảnh vật để nói lên cái tình của mình đối với cảnh vật (Ý tưởng của Nhà Thơ Quang Dũng).

Để nói về nỗi đam mê âm nhạc của mình, vì công việc và những bận rộn đời thường mà bị nguội đi, chứ không tắt hẳn, trong truyện ngắn được chọn làm tựa đề của tập truyện, truyện Bông Hoa Trên Phím Hoàng Quân viết:

"Hơn hai chục năm qua, hình ảnh của cây đàn nhện giăng vẫn còn trong trí nhớ của tôi. Ở Đức, lúc nào trong nhà tôi cũng có cây đàn guitar. Lâu lâu tôi đem đàn xuống lau bụi. Cây đàn trong phòng khách nhà tôi sạch bóng. Nhưng cây đàn trong hồn tôi phủ đầy bụi và nhện giăng chằng chịt. Ngày nào đó, tôi sẽ cẩn trọng phủi đám bụi dày, gỡ những dây tơ nhện. Tôi sẽ gảy nhẹ, thật nhẹ những nốt nhạc cũ, đánh thức đam mê ngày xưa của mình. Tôi sẽ, tôi sẽ ..."

Cuộc sống đời thường cứ như sóng biển, hết đợt này đến đợt khác, ngay như những người đến tuổi về hưu vẫn có những lo toan hằng ngày, huống hồ gì những người còn tươi trẻ như Hoàng Quân, thế nên "Ngày nào đó" mà tác giả nêu lên nghe yếu xìu, và người đọc, trong một liên hệ cảm xúc, khó nén một tiếng thở dài.

Bên cạnh những cảm xúc man mác đó, người đọc tìm thấy rất rất nhiều những nụ cười dí dỏm, rất nghịch ngợm, rất dễ thương khi tác giả nhắc nhớ về một thời làm học trò. Trong truyện ngắn Thầy Trò, Trường Lớp, Ngày Xưa, Hoàng Quân viết:

"Người xưa có dạy rằng, muốn... mình hay chữ phải yêu kính thầy. Mấy chị giành "thầu" phần yêu. Còn tôi, hạng em út, vừa qua giai đoạn thò lò mũi xanh chưa lâu - phải "khoán" phần kính. Nếu thuở đó, Tom Cruise đã tiếng tăm ở Hồ Ly Vọng, trường phái bút tre đã lẫy lừng trên thi đàn, chắc mấy chị trong lớp đã ngâm nga:

Thầy Kông thẩy rất nghiêm tràng ̣̣(trang)
Nhưng thầy đẹp trái (trai) ngang hàng Tôm-Cui.”

Tôi là người biết Hoàng Quân từ khi tác giả còn là cô bé học lớp chín, với mái tóc chấm vai, màu mắt trong xanh thông minh, lúc nào cũng như chứa đựng ánh cười trong đó, nên đọc đoạn văn trên, tôi như thấy lại một khoảng đời như xa, như gần, cực kỳ thân thiết và trìu mến.

Và đây, xin gửi thêm các bạn một nụ cười nữa nhé.

Trong truyện Trái Tim Nhiều Ngăn:

...Một hôm, nhỏ bạn cùng lớp, rù rì:

 - Ông bạn của ông anh tao đó, ổng biểu tao đưa bài thơ này cho mày nè.

Em rực rỡ giữa phố chiều đô thị
Mỉm môi cười thơm ngát nụ tin yêu
Đời mở cửa và thiên đường mở cửa
Em đã vào xao xuyến biết bao nhiêu
Giờ đã biết tim em bằng đá cuội
Buổi quay về sám hối nhuộm vàng tay
Ngồi thật lâu bên tách cà phê cuối
Xin vẫy chào khói ảo vọng bay bay.

(Thơ Trầm Thụy Du)

Cô đọc, cười khúc khích với nhỏ bạn:

- Mày coi, tao có cần đi bác sĩ chụp quang tuyến, coi thử tim tao bằng đá cuội trắng, cuội vàng, cuội xám....

Nhỏ bạn, chắc hơi bực mình giùm cho ông bạn của anh mình, lườm cô dài ngoằng, gắt:

- Khỉ đâu không. Ảnh nói thiệt mà mày còn giỡn gì đâu à.

Cô không trả lời trả vốn với nhỏ bạn, để nó về trình lại với ông anh. Cô cũng không kể cho nó nghe, rằng, cô đã gò bút trong màu mực tím, chép bài thơ của "ảnh" vào cuốn tập của cô. Đọc tới, đọc lui bài thơ, cô nghe, hình như những viên cuội trong tim cũng có lao xao...

Người đọc có cảm giác, ký ức của tác giả như một cuộn chỉ nhiều màu và tác giả cứ nhẩn nha kéo ra, mỗi đoạn một màu, lung linh, sinh động. Theo tôi, đây là một sáng tạo đầy nghệ thuật, và nhờ đó mà Hoàng Quân cuốn hút người đọc, tránh cho người đọc lọt vào trạng thái chưa hết trang sách đã buồn ngủ.

Viết một truyện ngắn, theo tôi, dễ mà khó. Dễ là bởi vì chỉ cần nghĩ trước một khung sườn, và ý tưởng chủ đạo mà ta muốn truyền đạt tới người đọc, thế là đã có một truyện ngắn. Nhưng khó là vì "đầu ai nấy nghĩ, tim ai nấy run". Người viết truyện ngắn phải có nét riêng của mình trong cách dùng từ, thí dụ như Nhà Văn Nguyễn Huy Tưởng từng khuyên bạn văn của mình nên giới hạn dùng tĩnh từ, thay vào đó ta phải biết diễn đạt cái tĩnh từ đó bằng cách riêng, cho người đọc cảm nhận trọn vẹn được ý tưởng của người viết. Nói nghe rất đơn giản như đang giỡn, nhưng trong thực tế cầm bút thì không dễ tí nào.

Với BÔNG HOA TRÊN PHÍM, Hoàng Quân đã thành công với tác phẩm đầu tay của mình. Đây là một khích lệ rất cần thiết cho một nhà văn. Rồi đây, Hoàng Quân sẽ có nhiều niềm tin, nhiều sáng tạo hơn trong văn nghiệp của cô.

Tôi biết Hoàng Quân khi cô còn là một cô bé. Có ai ngờ đâu cô bé ngày xưa ấy, bây giờ đã trở thành một nhà văn. Tôi thực sự xúc động khi nhận món quà "tác phẩm đầu tay" của cô. Như đã nói ở phần mở đầu, tôi yêu thích văn chương, nhưng dù cố gắng bao nhiêu, tôi cũng chỉ là một "tiểu phú", nếu so với cô em "đại phú" của tôi. Nhưng điều đó không là vấn đề, ngăn trở tôi diễn đạt cảm xúc của mình khi đọc tác phẩm của người em gái ngày xưa. Vì thế mà có bài viết điểm sách hôm nay, dù trong đời, tôi chưa bao giờ viết nhận định về một tác phẩm của người nào.

Trần Thảo


Cái Đình - 2019